Bên cạnh việc du học trực tiếp tại Hoa Kỳ, việc du học chuyển tiếp cũng là cách giúp sinh viên tiếp cận được nền giáo dục, văn hóa và cơ hội làm việc tại Hoa Kỳ với mức chi phí tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, việc du học chuyển tiếp sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với việc du học trực tiếp, điển hình là sinh viên sẽ có thời gian chuẩn bị visa, năng lực Anh ngữ, kiến thức... trước khi chính thức chuyển sang Hoa Kỳ.

Chương trình Cử nhân Quốc tế (CNQT) liên kết giữa trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM và Đại học Keuka, New York, Hoa Kỳ đang triển khai đào tạo ngành Khoa học Quản lý chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế ở hai hình thức: du học tại chỗ (4+0) và du học chuyển tiếp Hoa Kỳ (2+2). Là một trong những sinh viên nhận học bổng chuyển tiếp lên đến 75% học phí và đã tốt nghiệp tại Đại học Keuka (New York, Hoa Kỳ), bạn Phạm Đức Trí - cựu sinh viên chương trình Cử nhân Quốc tế trường ĐH KHTN ngành Khoa học Quản lý - đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm sống và học tập hai năm cuối đại học tại Mỹ.

 

Chào Trí, bạn có thể chia sẻ đôi điều về những khó khăn bạn đã trải qua những ngày đầu tại Mỹ?

Đức Trí: Những ngày đầu mới qua, em lạ lẫm với mọi thứ và cảm thấy mất tự tin khi ở trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, cả về văn hóa, con người và ngôn ngữ. Đầu tiên có thể kể đến là khó khăn về ngôn ngữ. Để giao tiếp lưu loát trong đời sống hoặc bàn luận sâu về một vấn đề nào đó thì thật sự không dễ lúc em mới qua. Tiếng Anh của em không phải là xuất sắc, tuy nhiên may mắn là khi còn ở Việt Nam em đã có cơ hội làm quen với việc sử dụng ngôn ngữ học thuật thông qua các bài essay hay report bằng tiếng Anh khi học giai đoạn 1 chương trình liên kết ở Việt Nam. 

 

Trường có những dịch vụ hỗ trợ gì để giúp đỡ các du học sinh như bạn không?

Đức Trí: Trường Đại học Keuka (New York) có lượng lớn du học sinh từ các nước và từ nhiều bang của Mỹ quy tụ về nên có rất nhiều nguồn giúp đỡ. Đầu tiên phải kể đến là người cố vấn (advisor). Khi sang đây, mỗi bạn sẽ có một  giáo viên cố vấn - người này có thể sẽ không trực tiếp dạy bạn nhưng họ sẽ quản lý việc học tập của bạn, điểm danh và thông báo cũng như giúp bạn định hướng về lộ trình học. Sẽ rất quan trọng và cần thiết khi bạn kết thân và chia sẻ với cố vấn của mình. Họ là một trong những người gần bạn nhất và giúp bạn rất nhiều trong học tập. Kế đến là bộ phận DSO/ PDSO trực tiếp quản lý tình trạng nhập cư và giải đáp các thắc mắc của bạn về các thủ tục visa... Ngoài ra, còn có các câu lạc bộ, văn phòng SV quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn và giúp bạn làm quen với môi trường mới.

 

Theo bạn, phong cách học tại Mỹ và tại Việt Nam có nhiều khác biệt hay không?

Đức Trí: Ở Việt Nam, sinh viên có thói quen nghe giảng thụ động nhưng bên Mỹ, việc SV tự đọc sách, phát biểu ý kiến và tham gia hoạt động trong lớp rất được đề cao. Tại đây bạn có thể phát biểu bất cứ điều gì bạn nghĩ và bạn có thể không đồng tình với bài giảng của giáo viên và chất vấn họ theo 1 cách hợp lý. Giáo viên đóng vai trò là người quan sát và chỉ giảng cho phần bài học bạn chưa hiểu. Họ cũng sẵn sàng ngồi lại để lắng nghe và giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn. Vì vậy, đừng ngại tìm tới giảng viên hoặc cố vấn của mình để chia sẻ khi bạn cần hỗ trợ.

 

Bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn đang có dự định du học tại Mỹ?

Đức Trí: Nếu các bạn định hướng muốn đi du học, phát triển ở Mỹ nói chung và ĐH Keuka nói riêng, các bạn nên chuẩn bị thật tốt tinh thần, kiến thức và kể cả giải pháp cho những vấn đề phát sinh như là chi phí, sức khỏe, thời gian... Đặc biệt về học tập và hướng nghiệp, bạn nên bắt đầu suy nghĩ và làm đẹp CV của mình từ bây giờ và phải chuẩn bị tâm lý cho một chặng đường dài phía trước. Đổi lại, bạn sẽ trưởng thành rất nhiều khi trở về!

 

Cám ơn những chia sẻ của bạn, chúc bạn luôn thành công trong công việc và cuộc sống!