Phan Thông Minh Thư - ITEC07

Sau 5 tháng sống và học tập trên nước Mỹ, tôi chưa thể tự nhận mình đã biết và hiểu tất cả về đất nước này, nhưng những điều tôi học được và những kinh nghiệm tôi trải qua có lẽ khó có thể học được qua sách vở.
Những ngày đầu khó khăn
Tôi nhập học vào đầu mùa xuân, trời lúc đó còn lạnh lắm. Dù Texas không phải là tiểu bang lạnh giá như các tiểu bang ở miền Bắc nhưng vào mùa đông nhiệt độ xuống khoảng 1-2oC là chuyện thường. Mỗi ngày đi học, tôi mặc hai ba lớp áo khoác mà tay chân vẫn tê cóng, phải gấp rút chạy vào lớp học hoặc thư viện có máy sưởi.


Cảm giác thích thú vui sướng lúc ban đầu vì được đến một nơi xa xôi, được học tập trong một môi trường mà mình mơ ước, được sống tự lập, đôi khi vẫn xen lẫn với nỗi buồn nhờ nhà và tủi thân. Mọi thứ đều phải tự tìm hiểu, tự làm và tự … rút kinh nghiệm nếu làm sai. Mọi chi tiêu đều phải tiết kiệm chứ chẳng được thoải mái như khi ở nhà cùng cha mẹ. Mỗi tối ăn uống dọn dẹp xong phải chuẩn bị bữa trưa để ngày mang theo đi học. Không dám ăn trong trường vì … đắt. Bao nhiêu lần tìm nhà, dọn nhà, để tìm một chỗ ở ổn định cũng mất nhiều thời gian và phải lo nghĩ nhiều.
Đi du học ở nước ngoài, điều gì là quan trọng nhất? Khả năng tài chính? Khả năng học tập? Khả năng tự lập khi sống xa gia đình? Bản thân tôi xin xếp những thứ ấy sau khả năng ngoại ngữ. Nhiều bạn học sinh chuẩn bị đi du học lơ là về điều này, hoặc các bạn cảm thấy mình đã đủ giỏi, thì nên suy nghĩ và xác định cẩn thận. Chuẩn bị kĩ càng khả năng ngoại ngữ không bao giờ là dư thừa. Lúc còn học ở Itec, tôi có thể hiểu được thầy cô giảng bài và có thể trao đổi với thầy cô bằng tiếng Anh. Tôi đạt được số điểm cần có trong kì thi TOEFL. Tôi vẫn biết khi mình sang Mỹ chuyện giao tiếp sẽ khó khăn, nhưng tôi đã không nghĩ là những ngày đầu tôi không thể hiểu, hay chính xác hơn không thể nghe kịp những gì người bản xứ nói, và họ cũng không hiểu được khi tôi nói.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, tưởng rằng có TOEFL thì đã đủ, khi nhập học trường Universiy of Houston, tôi vẫn phải thi một bài thi TSI ( Texas Success Initiative), là kì thi mà mọi sinh viên quốc tế khi bắt đầu vào học các trường ở bang Texas đều phải thi. TSI có nhiều loại để lựa chọn: THEA, COMPASS hay ACCUPLACER. Phải đậu kì thi này mới được bắt đầu lựa chọn lớp. Tôi chọn ACCUPLACER vì kì thi này sẽ có kết quả nhanh nhất. 4 kĩ năng được kiểm tra: Math, Reading, Writing, và Sentence Skill. Phần Math có vẻ không gây khó cho sinh viên Việt Nam vì chỉ là giải những phương trình, toán hình học cấp 2, hoặc toán lượng giác của cấp 3, và điểm để pass cũng chỉ khoảng 63/100. Phần Sentence Skill sẽ yêu cầu sửa chữa lỗi sai trong cấu trúc câu, phần này không hỏi khó hay hỏi mẹo, nhưng điểm pass là 80/100. Phần Reading có khó hơn một chút, vì những câu đầu sẽ dễ (và điểm cho những câu này sẽ ít), nếu trả lời đúng những câu này thì hệ thống sẽ chọn câu khó cho những câu tiếp theo (điểm cũng cao hơn), nhưng nếu những câu đầu sai thì những câu tiếp theo sẽ dễ (đồng nghĩa điểm thấp). Vì thế, nếu trả lời sai nhiều câu đầu, dù phần còn lại đúng, nhưng tổng điểm có thể không cao và có thể không đủ 78/100 để đậu. Điểm thấp nhất để đậu phần Writing là 6/8, cách viết cũng giống như những bài essay khác, nhưng đề tài thường đòi hỏi bạn đưa ra ý kiến cá nhân nhiều, và đề tài có khi hơi mơ hồ như “Bạn nghĩ thành công có quan trọng hay không?”, “Con người nên làm gì để đạt được hạnh phúc?”. Những câu hỏi thoạt nhìn có vẻ dễ nhưng lại rất mông lung, và điểm pass khá cao nên thí sinh phải trau chuốt câu văn rất nhiều.
Xong kì thi TSI rồi, thì lại đến những điều mới lạ khác. Làm sao để chọn lớp? Sau khi đậu TSI, tôi đến gặp advisor để được chứng nhận đã qua kì thi này, và được cho lời khuyên nên chọn lớp nào. Và điều này là bắt buộc với các sinh viên, nếu không họ không được chọn lớp, dù sau đó họ có thể chọn lớp theo ý mình. Sau khi advisor khuyên tôi nên lấy những lớp nào, thì tất cả các lớp ấy đã full, không còn chỗ, phải làm sao đây? Lúc đầu chưa có kinh nghiệm tôi đã lo lắng lắm, sinh viên quốc tế phải lấy ít nhất 12 credit hours/ semester. Chẳng còn cách nào khác, tôi canh những sinh viên khác drop (bỏ lớp), thì nhanh chóng chọn, cứ năm phút lại kiểm trả một lần, sau một đêm đã có đủ bốn lớp. Sau này tôi biết cũng có rất nhiều sinh viên dùng cách này để chọn lớp, và không có gì phải lo lắng cả, mọi việc đều có thể xảy ra. Sau ngày học chính thức một tuần, sinh viên vẫn có thể bỏ hay chọn lớp. Nhiều sinh viên không thể chọn lớp mình muốn trước ngày học thì vẫn có thể đợi đến tuần đầu tiên này để chọn.
Nhưng trên hết tất cả, những khó khăn vất vả sẽ được đền bù. Một môi trường học tập tiên tiến, không căng thẳng nhưng hiệu quả, học phí cao nhưng xứng đáng với những gì bạn gặt hái được. Trường tổ chức một buổi Orientation Day để giới thiệu cho sinh viên về trường và giúp họ khỏi bỡ ngỡ. Trường học rộng lớn với hàng chục colleges. Food court, phòng tập gym, phòng xem TV, nhà hát, và cả … nhà thờ, đều có trong trường.


Phòng xem TV

Nhà thờ trong khuôn viên trường

 

Nhà hát của trường hoạt động như một nhà hát thực sự

 

Thư viện với 8 tầng lầu, mỗi tầng đều đầy ắp sách với đủ các thể loại, kể cả sách thiếu nhi. Thư viện có rất nhiều khu vực cho sinh viên học tập theo mục đích: khu vực yên tĩnh, khu vực cho nhóm, khu vực computer,… Nhưng không vì nhiều chỗ mà dễ dàng tìm một chỗ ngồi thích hợp, nhất là giờ cao điểm. Sinh viên ở đây rất thích học ở thư viện, nên từ khoảng 11g  đến 2g rất khó để tìm một computer còn trống. Và một nhóm cũng khó tìm được chỗ để học cùng nhau trong khoảng thời gian này.

Thư viện M.D Anderson

Tầng 8 của thư viện

 

Nói về sinh viên, sinh viên Việt Nam được biết đến là rất siêng năng và giỏi các môn tự nhiên. Tuy nhiên, tôi thấy sinh viên Mỹ và các sinh viên nước khác có vẻ trội hơn về khoản siêng năng chăm chỉ. Trước khi vào học 30 phút thì rất nhiều sinh viên đã ngồi trước cửa phòng học, trao đổi về bài học và để … giành chỗ. Họ rất thích ngồi những bàn đầu, và không ngại hỏi. Sinh viên thường lập ra các study group để học và ôn cho các bài thi. Những người này thường không quen biết nhau trước mà bắt đầu từ một người gửi lên trang web của lớp hỏi có ai muốn tham gia study group vào ngày…tháng… để chuẩn bị cho kì thi không, và để lại số điện thoại hoặc email để lien lạc. Vào mùa thi các study group hoạt động rất sôi nổi. Họ đến trường kể cả thứ bảy và chủ nhật (vì ngày thường ai cũng có lớp), và mùa thi thư viện nới rộng thời gian mở cửa nên sinh viên cứ việc đến học và mang theo … mền gối để ngủ nếu cần (trong thư viện có những ghế dựa dài dành cho sinh viên nghỉ ngơi).

Một điều đúng về sinh viên Mỹ là có vẻ họ không giỏi các môn tự nhiên bằng sinh viên châu Á. Vì trong khi ở Việt Nam, các môn toán, lý, hóa, sinh, được tập trung giảng dạy như những môn chính từ cấp hai đến cấp ba, thì ở Mỹ, những môn này chỉ là chọn lựa của học sinh trung học (họ có thể học sau này ở đại học hoặc cao đẳng cộng đồng). Nhưng bù lại, họ rất giỏi các môn xã hội. Lý luận của họ rất sâu sắc và khi cần đề cập đến một vấn đề họ sẽ tìm hiểu rất kĩ và ghi nhớ nhiều chi tiết. Sinh viên quốc tế thường gặp trở ngại về ngôn ngữ, chính vì thế mà những môn này không được thành công như các môn tự nhiên.

Hệ thống giáo dục Mỹ không chỉ dạy chú trọng vào các môn cần có cho major, mà họ tập trung vào giáo dục toàn diện. Điều này giúp sinh viên không chỉ học khô khan mà còn phải hiểu biết về các vấn đề xung quanh, phải biết quan tâm và giúp đỡ cộng đồng. Dù major là gì, sinh viên vẫn phải lấy một lớp Visual/Performing Art (xem hoặc biểu diễn nghệ thuật). Những lớp sinh viên thường lấy là những lớp về cách cảm nhận âm nhạc hay tìm hiểu kịch nghệ, vì những lớp này không đòi hỏi thi tuyển đầu vào như các lớp biểu diễn. Mùa vừa rồi tôi đã lấy lớp tìm hiểu kịch nghệ. Lớp chỉ đơn giản giúp sinh viên khi xem một vở kịch sẽ có những cảm nhận riêng mình về nội dung kịch, diễn viên, âm thanh, ánh sáng,… và suy nghĩ, lien hệ đến đời sống. Trong khóa học sinh viên phải xem hai vở kịch và viết cảm nhân về nó (làm tại nhà), đọc ba kịch bản để trả lời các câu hỏi về nội dung và cảm nghĩ (tại lớp). Các phần bài giảng còn lại đa số được học online, chỉ một phần nhỏ được giáo viên giảng dạy tại lớp. Nếu không lấy lớp này, có lẽ không biết khi nào tôi mới có dịp đi xem một vở kịch ở Mỹ, vì vé khá đắt. Những vở kịch này được diễn trong trường, vẫn có những người bên ngoài trường vào xem vì nó hoạt động như một nhà hát thực sự, và sinh viên của trường sẽ được giảm giá, sinh viên của lớp theatre cần xem kịch để viết bài lại được giảm thêm nữa.

Việc sinh viên tham gia vào các đoàn hội là rất quan trọng cho họ sau này và đôi khi là đòi hỏi của các trường professional như Y, Dược… Sinh viên nhờ thế không chỉ biết học mà còn được giao lưu kết bạn, làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Có rất nhiều hội, dường như mỗi college đều có một association: College of Pharmacy, College of Business, College of Law,… Những hội này sẽ có những buổi meeting để thảo luận về các môn học cần có trong college của mình, những chuyên gia (dược sĩ, doanh nhân, luật sư,…) đến nói chuyện với sinh viên, hiến máu nhân đạo, đóng góp thực phẩm cho người nghèo, hoặc đơn giản là cả hội đến gameroom của trường chơi bowling để tạo sự đoàn kết trong hội. Các thành viên trong hội muốn được là active member (thành viên năng động), rất tốt khi đăng kí vào trường professional, thì phải đạt được số điểm cần có. Những điểm này có được khi đi dự meeting, mặc áo của hội, hiến máu, làm việc cộng đồng, hoặc ngồi trong phòng của hội trong một số giờ nhất định.

 

 

Việc học ở Mỹ có phần không căng thẳng như ở Việt Nam. Nếu là bài viết dài thì sinh viên được viết ở nhà, được trao đổi với bạn bè, tìm hiểu thông tin trên mạng thoải mái, miễn đừng vi phạm điều cấm kị là đạo văn. Những bài thi trong lớp thì sẽ được giáo viên cho trước practice test để chuẩn bị, dù bài thi không hoàn toàn giống và có thể hỏi ngoài practice test nhưng đa số là nằm trong những gì đã học và practice test giúp hệ thống lại kiến thức. Giáo sư thường cho làm quiz mỗi tuần nhưng không bất ngờ và gấp rút như kiểm tra 15 phút ở Việt Nam, đôi khi được làm online và có thể làm đến khi nào được điểm cao nhất (hoặc có thể làm tiếp nếu muốn luyện tập thêm) (nhưng mỗi quiz có deadline, có thể trong vòng 1 tuần hoặc 1 ngày cố định cho nhiều quizzes, qua khỏi thời gian đó thì chỉ được lấy điểm cao nhất mình đạt được). Ngoài ra còn có popper và clicker, dạng này thường bất ngờ, không báo trước, và câu hỏi thường … không dễ, vì tập trung vào những điều sinh viên hay quên. Nhưng không lo vì đúng sai không tính điểm mà chỉ tính attendance, vì không có điểm danh mỗi ngày, ai đủ số ngày cần có sẽ được thêm extra point. Cách này giúp giáo sư biết tình hình học tập của sinh viên và giúp sinh viên biết phần nào mình còn lơ là, cần xem lại.

Học tập trong giảng đường lớn thì sự trao đổi giữa giáo sư và sinh viên cũng bị hạn chế, hoặc giáo sư không đủ thời gian trả lời hết câu hỏi cho sinh viên, cho nên mỗi giáo sư đều có office hours, là khoảng thời gian sinh viên có thể đến hỏi bài, hoặc yêu cầu giảng lại phần không hiểu. Nếu vẫn chưa thỏa mãn hoặc ngại gặp giáo sư, sinh viên có thể đến hỏi tutor, những sinh viên này có kết quả học tốt và sẽ giúp khi sinh viên khác cần. Phòng của tutor cũng được thiết kế thành một study room để cái study group có thể đến học. Ngoài ra, mỗi giáo sư có khoảng 4-5 TA (teaching assistant), những người này cũng có office hours để giúp sinh viên khi họ không thể gặp giáo sư vào office hour của giáo sư. Những người này đồng thời cũng là grader, người chấm bài cho sinh viên, thay cho giáo sư. Đặc biệt lớp Theatre của tôi có 14 graders, những người này đang học chương trình master của diễn viên, và chính họ cũng diễn những vở kịch trong trường. Với những lớp cần nộp bài viết, trước khi nộp bài viết chính thức (và chưa đến deadline), có thể gửi bài cho những người grader để họ xem và góp ý nếu muốn.

 

 

 



Older news items: