Vietnamnet: Liên kết đào tạo cử nhân AUT (NewZealand) tại Việt Nam
vietnamnetGS. Ajit, Lãnh đạo Trường Khoa học về Toán và Máy tính, ĐH Công nghệ Auckland (AUT) đã trao đổi về những cơ hội nhận bằng ĐH của trường ngay tại Việt Nam nhân chuyến sang dạy và hướng dẫn sinh viên 2 nước cùng làm đồ án thực tế.

- Xin ông cho biết lý do tại sao ĐH AUT lại hợp tác với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM để triển khai chương trình này?

-GS. Ajit: Chúng tôi đã ký kết thỏa thuận khung về hợp tác đào tạo và nghiên cứu với Đại học Quốc gia Tp.HCM từ rất sớm rồi sau đó mới triển khai chi tiết với các trường thành viên như ĐH Quốc tế, ĐH Khoa học Tự nhiên, trung tâm CIE. Việc hợp tác với trường ĐH Khoa học Tự nhiên Tp.HCM để đào tạo chương trình cử nhân Công nghệ Thông tin (CNTT) toàn thời gian tại Việt Nam theo chương trình của ĐH AUT và do ĐH AUT cấp bằng là bước đi tiên phong của chúng tôi trong việc mang chương trình đào tạo ra nước ngoài.

Cũng cần phải nói thêm rằng việc chọn ĐH Khoa học Tự nhiên làm đối tác đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây là một Trường ĐH có uy tín của Việt Nam về đào tạo chuyên ngành này.

- Thưa ông vậy có sự hỗ trợ gì từ phía New Zealand cho các sinh viên đang theo học tại Việt Nam không?

- GS. Ajit: Tổng chi phí cho một sinh viên AUT tại Việt Nam thực tế có thấp hơn so với sinh viên của AUT tại New Zealand nhưng điều đó không có nghĩa là chất lượng đào tạo của AUT tại Việt Nam không tốt bằng. Chúng tôi đang xây dựng dự án xin hỗ trợ từ Chính phủ New Zealand, từ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp New Zealand đang hoạt động tại Việt Nam để tài trợ cho chương trình này nhằm giảm hơn nữa học phí cho sinh viên Việt Nam. Chúng tôi cũng đã xây dựng chính sách học bổng khuyến khích các em có thành tích học tập tốt.

- Vậy việc học tập có khác gì với học tại AUT không?

- GS. Ajit: Hoàn toàn không khác gì vì cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên tại ĐH Khoa học Tự nhiên hoàn toàn giống như tại AUT. Cuối khóa các em sinh viên còn được yêu cầu tham gia đồ án tốt nghiệp cùng nhóm với sinh viên của AUT đang học tại New Zealand qua mạng. Chương trình cử nhân của chúng tôi thông thường sinh viên có thể hoàn tất trong 3 năm rưỡi.

Thực tế thì đồ án tốt nghiệp (capstone project) không phải là một ý tưởng mới. Các chương trình đào tạo về CNTT trên thế giới hầu hết đều có môn học này. Đây là môn học yêu cầu sinh viên phải có khả năng tích hợp các kiến thức đã được trang bị trong suốt khóa học, vừa phải có khả năng làm việc nhóm vừa phải có khả năng suy nghĩ độc lập để giải quyết vấn đề vì sự giúp đỡ của Thầy giáo trong trường hợp này chỉ mang tính gợi ý.

- Ông có thể nói rõ hơn về những mục tiêu chính của dự án này?

- GS. Ajit: Đối với các sinh viên của ĐH AUT tại New Zealand, mục tiêu mong muốn của chúng tôi là sau khi kết thúc môn học đặc biệt này, họ có thể thực hiện hay chứng tỏ được: khả năng giải quyết những vấn đề mới, thái độ làm việc chuyên nghiệp, khả năng có thể tích hợp các kiến thức liên ngành theo yêu cầu, giao tiếp hiệu quả với khách hàng và các doanh nghiệp…

Tuy nhiên với sinh viên của AUT tại Việt Nam, ngoài những kỳ vọng trên, chúng tôi còn muốn các em có thêm vào một số những kỹ năng trong bối cảnh toàn cầu hóa như: Khả năng hoạt động trong các nhóm liên ngành, liên quốc gia; Khả năng giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh; Khả năng nhận thức được một cách đúng đắn những tác động của các giải pháp kỹ thuật trong một bối cảnh toàn cầu hóa và Có kiến thức, hiểu biết về xu hướng phát triển của các công nghệ mới.

Với việc thiết kế những đồ án cho sinh viên ở Việt Nam cùng thực hiên với sinh viên New Zealand chúng tôi kỳ vọng về khả năng đạt được những mục tiêu nêu trên. Các bài đồ án là các bài toán thực tế, được các công ty đặt hàng.

- Vậy để theo học chương trình này, học sinh cần có những điều kiện gì và tuyển sinh ra sao?

- GS. Ajit: Chúng tôi tuân thủ theo nguyên tắc tuyển sinh của mình. Cụ thể, tất cả các học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp THPT đều có cơ hội được xét tuyển. Chúng tôi căn cứ vào thành tích học tập, các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao và kỹ năng ngoại ngữ để chọn ra những học sinh có năng lực theo học chương trình này chứ không dựa đơn thuần vào điểm thi ĐH, CĐ.

(Nguồn)